Các ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin
Đăng kýCác ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin
Đăng kýMặc dù kinh tế của tỉnh nhà gặp khó khăn, song với sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các công trình dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Doanh nghiệp. Hà Tĩnh đã đạt được những kết khá tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm; Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
I. VỀ LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP)
1.1. Về tăng trưởng: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh năm 2022 ước tăng 3,98% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,83%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 3,23%, ngành công nghiệp giảm 8,66%; khu vực dịch vụ tăng 11,73%; thuế sản phẩm trừ trở cấp sản phẩm tăng 17,97%.
1.2 Về quy mô kinh tế: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của Hà Tĩnh trong năm 2022 ước đạt trên 92.960 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,47 triệu đồng/năm (tăng 3,77 triệu đồng/người/năm so với năm 2021), cao nhất khu vực Bắc Miền Trung và xếp thứ 9/14 các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung.
1.3. Về cơ cấu kinh tế: Năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,24%, trong đó, ngành công nghiệp chiếm 31,45%; khu vực dịch vụ chiếm 34,87%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,88%.
Tính chung giai đoạn 5 năm trở lại đây từ 2018 đến 2022 tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 8,03%/năm.
1.4. Một số nguyên nhân dẫn đến việc tổng sản phẩm trong tỉnh có mức tăng trưởng thấp đó là do:
Lý do thứ nhất: Đối với khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: Sản xuất ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa thực sự gắn với phát triển kinh tế nông thôn; năng suất và sản lượng cây lúa đều giảm so với năm 2021.
Lý do thứ hai: Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Sản xuất ngành công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; tính từ tháng 7/2022, sản lượng sản xuất của Công ty Formosa tiếp tục giảm. Cụ thể, ước năm 2022 sản lượng than cốc giảm 189 ngàn tấn, phôi thép giảm 650 ngàn tấn, thép giảm 910 ngàn tấn so với năm 2021; bên cạnh việc sản lượng điện sản xuất của Công ty Formosa (giảm 932 triệu KWh) thì tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại đã làm giảm 2171 triệu KWh. Và đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến Hà Tĩnh đạt tăng trưởng không như kỳ vọng.
Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giảm sản lượng của Formorsa và Nhiệt điện Vũng Áng I, thì tăng trưởng của Hà Tĩnh năm 2022 ước đạt 8,37%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Năm 2022, mặc dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả sản xuất vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra về cơ cấu giống và thời vụ sản xuất. Hoạt động chăn nuôi đạt mức tăng nhẹ cả về tổng đàn và sản lượng, việc tái đàn chưa có bước đột phá do giá cả thất thường trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; Hoạt động trồng, chăm sóc, khoanh nuôi rừng tăng nhẹ so với năm trước; Sản xuất thủy sản duy trì mức tăng trưởng nhẹ so với năm trước.
a. Trồng trọt
- Trồng cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh sơ bộ đạt 159.169 ha, tăng 0,17% so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm sơ bộ đạt 617.289 tấn, giảm 2,54% (giảm 16.062 tấn). Trong đó, diện tích gieo trồng lúa đạt 104.753 ha, giảm 0,16%; tổng sản lượng lúa đạt 558.309 tấn, giảm 3,83% (giảm 22.213 tấn); diện tích gieo trồng ngô đạt 12.951 ha, tăng 6,29%; sản lượng ngô đạt 58.979 tấn, tăng 11,64% (tăng 6151 tấn); diện tích gieo trồng khoai lang đạt 3.762 ha, tăng 5,34%; sản lượng khoai lang đạt 27.313 tấn, tăng 5,28%; diện tích gieo trồng lạc đạt 9.194 ha, giảm 11,4%; sản lượng lạc đạt 22.268 tấn, giảm 23,55%... Nhìn chung, do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên kết quả sản xuất cây hằng năm 2022 đạt thấp hơn so với năm 2021.
- Trồng cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có sơ bộ đạt 31.825 ha, tăng 1,03% so với năm 2021. Diện tích cây ăn quả sơ bộ đạt 19.587 ha (chiếm 61,55% tổng diện tích), tăng 2,54% so với năm trước, sản lượng cây ăn quả năm 2022 sơ bộ đạt 166.340 tấn tăng 2,29% (tăng 3.727 tấn). Trong đó sản lượng các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt sơ bộ đạt 115.763 tấn, tăng 3,20% (tăng 3.588 tấn). Cây có múi vẫn đang là một trong những sản phẩm cây ăn quả hàng hóa chủ lực của Hà Tĩnh và đang được các địa phương quan tâm đầu tư sản xuất.
- Về chăn nuôi: Năm 2022, kết quả chăn nuôi cơ bản duy trì sản xuất, đạt mức tăng nhẹ cả về tổng đàn và sản lượng, việc tái đàn chưa có bước đột phá nào đáng kể. Ước tính số lượng đàn vật nuôi hiện có so với năm trước như sau: Đàn trâu 67.512 con, bằng 100,54% (tăng 362 con); đàn bò 169.315 con, bằng 100,45% (tăng 765 con); đàn lợn 402.150 con, bằng 98,39% (giảm 6571 con); đàn gia cầm 10.120 ngàn con, bằng 100,19% (tăng 19 ngàn con).
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 109.207 tấn tăng 1,32% (tăng 1.418 tấn) so với năm 2021. Dịch bệnh tuy không gây thiệt hại lớn như những năm trước nhưng vẫn còn xuất hiện gây hại đối với đàn vật nuôi. Cùng với đó, trong thời gian qua chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán thấp và thiếu ổn định; các tổ chức tín dụng thắt chặt cho vay nên nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi gặp khó khăn.
b) Lâm nghiệp
Năm 2022, diện tích rừng tập trung ước đạt 9.460 ha, tăng 1,08% so với năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 501.267 m3, tăng 5,71% (tăng 27.066 m3) so với năm trước. Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 1 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha (giảm 0,83 ha) và 106 vụ phá rừng (giảm 6 vụ), với diện tích rừng bị phá là 49,483 ha (giảm 0,411 ha) so với năm trước.
c) Thủy sản
Sản xuất thủy sản năm 2022 vẫn duy trì mức tăng trưởng nhẹ so với năm 2021, tổng sản lượng ước đạt 55.156 tấn, tăng 1,56% (tăng 846 tấn) so với năm 2021, trong đó sản lượng khai thác đạt 38.871 tấn, tăng 0,89% (tăng 343 tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 16.285 tấn, tăng 3,19% (tăng 503 tấn). Mặc dù giá bán sản phẩm tương đối ổn định nhưng giá nhiên liệu và chi phí khác trong thời gian qua tăng cao nên ngư dân gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với đó điều kiện, phương tiện, khai thác biển đầu tư phát triển chậm nên khó để tạo ra bước đột phá trong khai thác hải sản.
3. Sản xuất công nghiệp
Năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, các sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp như điện sản xuất, thép giảm đã “kéo” giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh xuống còn 16,53% so với năm 2021 và đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế tỉnh nhà.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh ước tính giảm 16,53% so với năm 2021. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 4,98%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,11%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 29,37%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 17,45% so với năm 2021.
Nguyên nhân chính của việc giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp là do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa nửa cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, dẫn tới hàng tồn kho nhiều, hoạt động sản xuất cầm chừng, sản lượng thép sản xuất ước năm 2022 chỉ đạt 4.447 nghìn tấn, giảm 910 nghìn tấn (giảm 16,98%) so với năm trước. Cùng với đó, tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố ngừng hoạt động đến nay chưa khắc phục được, tổng sản lượng điện sản xuất chỉ đạt 7.497 triệu KWh, giảm 3.266 triệu KWh (giảm 30,35%) so với năm 2021. Trong khi các động lực tăng trưởng chính (Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng I) sản xuất sụt giảm thì ngành công nghiệp vẫn chưa có các năng lực mới tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
4. Về phát triển doanh nghiệp
Năm 2022 vừa qua, Hà Tĩnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục; triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đến ngày 20/12/2022, toàn tỉnh thành lập mới 1.380 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng (tăng 27,07% về số lượng và giảm 24,61% về số vốn đăng ký). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,2 tỷ đồng (năm 2021 là 12,21 tỷ đồng); hỗ trợ đào tạo trên 1.000 lượt người về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp; có trên 400 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, tăng hơn 18% so với năm trước; 100% doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đã áp dụng hóa đơn điện tử.
Song song với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, năm 2022 toàn tỉnh có 475 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 12,29% so với năm 2021), 192 doanh nghiệp giải thể (tăng 34,26% so với năm 2021).
5. Thương mại - Dịch vụ
Năm 2022 ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tích cực từ nhóm ngành thương mại, dịch vụ, mặc dù còn có những khó khăn do biến động khó lường về tình hình giá cả nhất là nhóm nhiên liệu xăng, dầu, khí đốt theo tình hình chung của Thế giới, cũng như ảnh hưởng của thời tiết đến cung các loại hàng hóa nông nghiệp.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 61.356,84 tỷ đồng, tăng 31,16% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 52.885,7 tỷ đồng, tăng 26,09% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 6.056,88 tỷ đồng, tăng 73,91%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 16,22 tỷ đồng, tăng 120,51%; doanh thu dịch vụ khác đạt 2.578,04 tỷ đồng, tăng 73,78% so với năm trước.
- Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi năm 2022 đã có bước phát triển so với năm trước, đặc biệt là vận tải hành khách. Doanh thu vận tải, kho bãi năm 2022 ước đạt 5.446,13 tỷ đồng, tăng 25,45% so với năm 2021, trong đó: Vận tải hành khách doanh thu ước đạt 1.195,81 tỷ đồng, tăng 42,38%; Vận tải hàng hóa ước đạt 3.401,34 tỷ đồng, tăng 29,54%; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 848,05 tỷ đồng, giảm 3,16% so với năm trước.
- Hoạt động xuất nhập khẩu Hà Tĩnh năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn của tình hình thế giới, nhất là trong xuất khẩu mặt hàng giữ tỷ trọng lớn thép và phôi thép. Năm 2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 5.200,64 triệu USD giảm 1,87% (giảm 99,36 triệu USD) so với năm trước.
+ Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1.800,2 triệu USD, giảm 9,99% (giảm 199,80 triệu USD) so với năm trước. Trong đó, thép, phôi thép ước đạt 1.559,13 triệu USD giảm 13,38% so với năm 2021; thủy sản giảm 15,92%; xơ, sợi dệt các loại giảm 27,45%. Có 3 nhóm hàng tăng so với năm 2021: Hàng dệt và may mặc đạt 27,49 triệu USD tăng 113,1%; dăm gỗ đạt 75,44 triệu USD tăng 54,91%; chè đạt 0,3 triệu USD tăng 25,0%.
+ Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 3.400,44 triệu USD, tăng 3,04% (tăng 100,44 triệu USD) so với năm trước. Trong đó, chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất Formosa đạt 2.927,66 triệu USD (chiếm 86,1%) tăng 6,04%.
6. Thu - Chi ngân sách
Kết quả thu NSNN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 vượt dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao. Trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế như miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Hà Tĩnh đang làm tốt nhiệm vụ thu ngân sách và cân đối, phát triển nền kinh tế. Chi ngân sách Nhà nước trong năm cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương.
- Tổng thu ngân sách nhà nước (đã loại trừ hoàn thuế) tính đến ngày 15/12/2022 sơ bộ đạt 14.606 tỷ đồng giảm 5,44% (giảm 840 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 8.028 tỷ đồng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu vào các nguồn thu lớn như từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, thuế ngoài quốc doanh đạt 3.137 tỷ đổng tăng 14,65% so với cùng kỳ năm 2021; các khoản thu về nhà đất đạt 2.953 tỷ đổng giảm 3,67%. Bên cạnh thu nội địa thì thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.335 tỷ đồng giảm 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 9.047,58 tỷ đồng, tăng 16,10%. Nguyên nhân chủ yếu do giá các mặt hàng nhập khẩu như than, dầu, quặng (chủ yếu phục vụ sản xuất của Formosa) tăng cao đem lại nguồn thu lớn; hoàn thuế giá trị gia tăng đạt 2.713 tỷ đồng tăng 164,45%.
- Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/12/2022 sơ bộ đạt 19.128 tỷ đồng giảm 4,63% (giảm 928 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 8.565 tỷ đồng, chiếm 44,78% tổng chi, giảm 11,46%; chi thường xuyên đạt 10.476 tỷ đồng chiếm 54,77% tăng 1,07% so với cùng kỳ năm 2021.
7. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động ngân hàng Hà Tĩnh năm 2022 cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng. Các TCTD đã bám sát chỉ đạo điều hành của Nhà nước, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương năm 2022.
Ước nguồn vốn huy động đến 31/12/2022 đạt 83.177 tỷ đồng, giảm 4,86% (giảm 4.249 tỷ đồng) so với cuối năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động trung, dài hạn ước đạt 11.925 tỷ đồng, chiếm 14,34%, tăng 3,47% so với cuối năm 2021; nguồn vốn huy động ngắn hạn đạt 71.252 tỷ đồng, chiếm 85,66 %, giảm 6,12%. Nguồn vốn huy động giảm so với cuối năm 2021 nguyên nhân chủ yếu do nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm mạnh, các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dư nợ cho vay ước đến ngày 31/12/2022 đạt 89.105 tỷ đồng, tăng 24,14% (tăng 17.327 tỷ đồng) so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 60.854 tỷ đồng (chiếm 68,29% tổng dư nợ), tăng 24,73%; dư nợ trung dài hạn đạt 28.251 tỷ đồng (chiếm 31,71% tổng dư nợ), tăng 22,90%. Tính đến 31/12/2022 nợ xấu ước tính 665 tỷ đồng, chiếm 0,75% tổng dư nợ.
8. Vốn đầu tư phát triển
Năm 2022, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường quyết toán dự án đầu tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Do đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở 3 khu vực đều tăng cao, tăng 47,74% so với năm 2021.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 40.355,1 tỷ đồng, tăng 47,74% (tăng 13.040,8 tỷ đồng) so với năm 2021. Trong đó, khu vực nhà nước ước đạt 9.314,7 tỷ đồng, tăng 15,86% so với năm 2021; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 21.364,5 tỷ đồng, tăng 19,37%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9.675,9 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 2021. Năm 2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, các hạng mục quan trọng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đang được tiến hành khẩn trương theo đúng tiến độ đề ra. Ngoài ra các dự án lớn khác trong quá trình xây dựng như: Nhà máy Sản xuất Pin VinES dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022 và chạy thử trong quý I/2023; nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh đã đi vào sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp Cổng Khánh 2, khu đô thị TNR tại Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, Thị xã Kỳ Anh... cũng đang được nhà thầu tập trung thực hiện.
9. Chỉ số giá tiêu dùng
Tình hình giá cả các mặt hàng năm 2022 khá khó nắm bắt, sự lên xuống của giá cả thị trường hàng hóa biến động từng ngày. Nhưng nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng chung năm 2022 cơ bản được kiểm soát. Một số nhóm hàng có chỉ số sự bến động tăng mạnh như giao thông, vật liệu xây dựng, đồ uống, hàng may mặc và giải trí... Bên cạnh đó cũng có những nhóm hàng có chỉ số giảm như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông.
Tính chung cả năm 2022, chỉ số giá CPI tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 1,95%; nông thôn tăng 2,3% so với năm trước. Nếu phân theo nhóm ngành hàng thì chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,37%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm không đáng kể 0,07% so với năm 2021. Còn lại tất cả các nhóm hàng đều tăng, cụ thể có một số nhóm hàng tăng cao như: nhóm giao thông tăng 9,62%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,05%, văn hóa giải trí du lịch tăng 2,9%.; đồ uống thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,92%...
II. MỘT SỐ LĨNH VỰC XÃ HỘI
1. Dân số, lao động, việc làm
Năm 2022, tình hình dịch bệnh covid-19 ở Hà Tĩnh cơ bản được kiểm soát tốt, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động ổn định trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh tăng cao, đặc biệt tập trung một số nhóm ngành may mặc, điện, cơ khí và dịch vụ kinh doanh… vì vậy tình hình về lao động và việc làm ở Hà Tĩnh có phần khởi sắc hơn so với năm trước.
Dân số trung bình năm 2022 ước tính 1.319.181 người, tăng 0,39 % so với năm 2021 (tăng 5.125 người). Trong đó, dân số thành thị 294.156 người, chiếm 22,3%; dân số nông thôn 1.025.025 người, chiếm 77,7%; dân số nam 654.053 người, chiếm 49,58% và dân số nữ 665.128 người, chiếm 50,42%.
Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên ước tính là 530.805 người tăng 3,34% so với năm 2021; trong đó số lao động đang làm việc là 505.162 người, chiếm 95,17% tăng 3,18% so với năm 2021. Trong tổng số lao động có việc làm, lao động ở thành thị chiếm 23,47%; nông thôn chiếm 76,53%; ở nam giới chiếm 52,73%; nữ giới chiếm 47,27%. Số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 155.170 người giảm 1,45 điểm phần trăm trong cơ cấu so với năm 2021; ngành công nghiệp và xây dựng là 144.686 người tăng 0,25 điểm phần trăm; ngành dịch vụ là 205.306 người tăng 1,2 điểm phần trăm.
Số người không có việc làm (thất nghiệp) ước tính là 25.643 người, chiếm 4,83% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và tăng 0,15 điểm phần trăm so với năm trước. Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 ước tính là 5,1%, giảm 0,28 điểm phần trăm so với năm trước.
Số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm 2022 là 22.995 người, tăng 1,89% so với năm 2021.
2. Công tác bảo đảm an sinh xã hội:
Năm 2022, toàn tỉnh còn 14.527 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,79% (giảm 3.321 hộ nghèo so với năm 2021, tương ứng giảm 0,89% tỷ lệ hộ nghèo); tổng số hộ cận nghèo 15.486 hộ, chiếm tỷ lệ 4,04% (giảm 3.934 hộ cận nghèo so với năm 2021, tương ứng giảm 1,05% tỷ lệ hộ cận nghèo). Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 45,08 triệu đồng/năm tăng 26,03% so với năm 2021.
Năm 2022 toàn tỉnh đã trao tặng khoảng 502.448 suất quà cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là 158,361 tỷ đồng. Trao tặng 96 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 589 triệu đồng cho người có công. Số nhà tình nghĩa, nhà tình thương xây mới là 742 nhà kinh phí khoảng 50.895 triệu đồng; Số nhà tình nghĩa, nhà tình thương sửa chữa là 80 nhà kinh phí khoảng 1.342 triệu đồng. Cấp khoảng 22.429 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 42.726 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, 151.994 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 49.037 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công.
3. Giáo dục đào tạo
- Giáo dục phổ thông: Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học mới 2022-2023 toàn tỉnh có 668 trường, trong đó có 527 trường đạt chuẩn quốc gia; với 10.783 lớp; 18.778 giáo viên và 335.175 học sinh.
- Giáo dục đào tạo: Năm 2022 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duy trì tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 19.671 người. Trong đó: trình độ cao đẳng nghề khoảng 662 người; trình độ trung cấp nghề khoảng 4.190 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 14.819 người.
4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
- Tình hình dịch bệnh Covid-19: Tổng số ca mắc từ ngày 01/01/2022 đến ngày 21/12/2022 là 57.216 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 58.175 ca mắc. Toàn tỉnh đã có 13/13 địa phương thực hiện việc cách ly, điều trị các ca bệnh tại nhà. Tình hình điều trị các ca bệnh chuyển Bệnh viện tuyến trên 128 BN; điều trị khỏi 57.837 BN, 54 BN tử vong.
- Tình hình dịch bệnh khác: Từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 đã phát hiện 988 ca sốt xuất huyết (gồm 23 ổ dịch với 299 ca mắc và 689 ca đơn lẻ). Ngoài ra, năm 2022 còn có các ca bệnh đơn lẻ như sau: 3 ca mắc sốt rét; 129 ca mắc bệnh quai bị, 228 ca mắc lỵ trực trùng; 261 ca mắc lỵ a míp; 184 ca mắc bệnh thủy đậu; 14.951 ca mắc bệnh cúm, tất cả các ca bệnh trên không tạo thành dịch và không có ca bệnh nào bị tử vong vì các bệnh nói trên.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Năm 2022 có 28 người nhiễm mới HIV, 13 người chuyển thành AIDS và 3 người chết vì AIDS, so với năm trước giảm 27 người nhiễm mới HIV (giảm 49,09%), giảm 37 người chuyển thành AIDS (giảm 74,0%), tăng 1 người chết vì AIDS (tăng 50%).
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Năm 2022 toàn tỉnh tổ chức thành lập 548 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra 11.464 lượt cơ sở; phát hiện 1.041 lượt cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 734 lượt cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022 toàn tỉnh có 1 vụ ngộ độc tập thể làm 4 người bị ngộ độc; ngoài ra có 887 ca bị ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc; so với năm trước giảm 2 vụ ngộ độc tập thể, giảm 49 ca ngộ độc tập thể, số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 357 ca, không có ca tử vong về ngộ độc.
5. Tai nạn giao thông
Tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022 toàn tỉnh đã xảy ra 108 vụ tai nạn đường bộ, 1 vụ tai nạn đường sắt làm chết 91 người, bị thương 46 người, thiệt hại tài sản 1.770 triệu đồng. So với với năm trước giảm 7 vụ tai nạn đường bộ (giảm 6,09%), tăng 1 vụ tai nạn đường sắt; giảm 5 người chết (giảm 5,21%), giảm 4 người bị thương (giảm 8%).
6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
- Công tác bảo vệ môi trường: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 973 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 642 vụ, với tổng số tiền xử phạt 2.909 triệu đồng; so với năm trước tăng 809 vụ vi phạm (tăng 493,29%), tăng 519 vụ đã xử lý (tăng 421,95%), tăng số tiền nộp phạt 41,27 triệu đồng (tăng 1,44%).
- Tình hình cháy, nổ: Tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022 toàn tỉnh xẩy ra 71 vụ cháy, nổ làm 1 người chết; 1 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại ước tính 5.025,6 triệu đồng. So với năm 2021 tăng 8 vụ cháy,nổ; giảm 2 người bị thương; giảm 1 người chết.
III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề đánh giá giữa kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà còn gặp khó khăn do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước nước dự báo còn chịu sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thị trường lao động việc làm dự báo còn gặp khó khăn; biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến bất thường. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm: Tập trung khắc phục sự cố và vận hành trở lại Tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; tạo mọi điều kiện để Nhà máy Pin VinES đi vào vận hành và sản xuất theo kế hoạch. Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép. Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ logictics.
Hai là, thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI), góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ba là, tiếp tục rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi đối với các nhà đầu tư. Tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn.
Bốn là, chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi sản xuất các vụ trong năm; chú trọng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Năm là, tập trung xử lý các nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế./.